A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'MỐC BA BIÊN" - NƠI MỘT CON GÀ GÁY 3 NƯỚC CÙNG NGHE

Ngày 21 và 22/11 vừa qua Tôi đươc tham gia buổi tập huấn công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông năm 2024 do Sở Thông tin và truyền thông Kon Tum tổ chức tại Hội trường UBND thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi. Theo kế hoạch sau khi được học tập các vấn đề về phát ngôn, cách cung cấp thông tin cho báo chí; cách nhận diện "báo hoá" tạp chí; kỹ năng sử dụng trang thông tin điện tử, mạng xã hội để truyền thông chính sách, đối ngoại sẽ là phần đi thực tế Cột mốc ba biên của huyện Ngọc Hồi.

   Đúng 7h30 phút sáng 22/11 lớp tập huấn của chúng tôi bắt đầu xuất phát từ UBND thị trấn Plei Kần thẳng tiến tới xã Bờ y Ngọc Hồi nơi có cột mốc đánh dấu ranh giới 3 nước Việt Nam - Lào - Cam Pu Chia toạ lạc trên đó. Trên xe Tôi và cả đoàn đã được nghe Anh Thao Tô Ra hướng dẫn viên giới thiệu về sự hình thành và phát triển của huyện Ngọc Hồi, năm khởi công và năm hoàn thành Mốc 3 biên, những truyền thống đáng tự hào của huyện nhà, nói về những nghệ nhân Cồng chiêng, xoang, về đặc sản rượu cần được làm từ men lá của người đồng bào Xơ Đăng mà chỉ ở đây mới có. Nghe xong lời giới thiệu của anh Thao Tô Ra trong lòng tôi trỗi lên một niềm vui, hạnh phúc khó tả, mọi người trên xe nói chuyện trao đổi những hiểu biết của mình về Mốc 3 biên nơi linh thiêng của Tổ quốc. Từ những câu chuyện của các anh chị trên xe mà Tôi hiểu thêm nhiều về nơi có tên gọi là "ngã 3 Đông Dường" này.

Chẳng mấy chốc mà đoàn chúng tôi đã tới chân của " Mốc ba biên", chúng tôi xuống xe và tranh thủ chụp vài bức hình làm lưu niệm

       

Lối đi lên cột mốc biên giới

Cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia được khởi công ngày 29-11-2007, đây cũng là năm Tôi đặt chân vào Kon Tum sinh sống và học tập, dưới sự giám sát của chuyên gia ba nước có chung đường biên giới " Mốc ba biên" đã được khánh thành ngày 18-1-2008. Đây là một minh chứng về hòa bình và tình hữu nghị anh em của ba nước Đông Dương, biểu tượng thể hiện rõ nét ý chí, nguyện vọng và quyết tâm của chính phủ và nhân dân ba nước trong hợp tác giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, là minh chứng thể hiện sự tin cậy, hiểu biết và tinh thần hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam, Lào và Campuchia. Tôi còn nhớ năm 2009 tôi có dịp đi ngang qua đây khung cảnh nó còn hoang sơ lắm chưa có hai hàng hoa Dã Quỳ rực rỡ đua sắc vầ những bậc thang lát đá hoa cương như ngày hôm nay Tôi trở lại thăm.

Cảm xúc trào dâng Tôi và cả đoàn háo hức bước từng bước chân trên bậc thang. Tôi vừa đi vừa ngắm hai hàng Dã Quỳ nở hoa vàng rực rỡ vừa nhẩm đếm từng bậc thang đến bậc thang thứ 120 cũng là lúc tôi được chạm tay vào cột " Mốc ba biên". Lên tới đây chúng tôi được các chiến sỹ Biên phòng giới thiệu về cột mốc 3 biên: cột mốc được xây dựng trên đỉnh núi cao 1.086m so với mực nước biển,trên cột mốc có ghi số 2007 là năm xây dựng cột mốc, được làm bằng đá hoa cương, có hình trụ tam giác, nặng 900kg, cao 2m. Trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn Quốc huy, ghi năm cắm mốc và tên quốc gia đó  bằng chữ (màu đỏ) của chính nước đó. Đây là Cột mốc ba biên thứ hai ở Việt Nam (cột mốc thứ nhất là của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, xây dựng ở làng A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nơi đây vừa là điểm bắt đầu của biên giới Việt Nam - Campuchia, vừa là điểm kết thúc biên giới Việt Nam - Lào. Phía Việt Nam thuộc xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, phía Lào thuộc tỉnh Attapeu, phía Campuchia thuộc tỉnh Rattanakiri.

                 

Cột mốc ba biên

                                

Thông tin về cột mốc biên giới

Trên đỉnh núi hùng vỹ, trùng điệp, lộng gió ngàn này Tôi chỉ cần bước vài bước chân là đã được đặt chân lên Ranh giới của nước bạn. Từ đây nhìn qua nước bạn Lào và Cam Pu Chia,Tôi cảm nhận được sự yên bình, thiêng liêng, sự đoàn kết của nhân dân 3 nước Việt Nam- Lào - Cam Pu Chia. Yêu lắm cảnh yên bình này. Tôi đi dạo xung quanh, ngắm ngía những cây hữu nghị do lãnh đạo 3 nước trồng trên mốc Ranh giới này. Đây là diễn ra những hoạt động hết sức ý nghĩa, mang tính biểu tượng trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất như chào và tô son cột mốc chủ quyền; lực lượng bảo vệ biên giới ba nước phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra cột mốc ngã ba biên giới; trồng cây hữu nghị, qua đó truyền tải đi thông điệp về tình đoàn kết, hữu nghị, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

                

         

Các cây hữu nghị và khách tham quan

Trong ngày khánh thành cột mốc Lãnh đạo 3 nước đã phát biểu như sau:

- Ông Var Kim Hông-Bộ trưởng cao cấp của Chính phủ Campuchia phụ trách biên giới đã khẳng định: Cột mốc tại ngã biên giới là sự kiện trọng đại, kết quả hợp tác giữa ba nước. Đây là cơ hội đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh biên giới giữa ba nước.

- Ông Phông - Sạ Vắt Búp Phả - Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban biên giới quốc gia Lào thì cho rằng: Cột mốc là di sản cho con cháu đời sau của ba nước, là động lực hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực giữa ba nước.

-Ông Đào Việt Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng: Việc khánh thành cột mốc khẳng định sự tin cậy lẫn nhau giữa ba nước. Nơi đặt mốc ngã ba biên giới có cảnh quan đẹp, nhìn về lâu dài sẽ là nơi thu hút khách du lịch, phát triển mạnh hoạt động trao đổi hàng hoá, dịch vụ.

 Cột mốc ba biên ngày càng trở thành điểm du lịch cuốn hút nhiều du khách khi đến với Kon Tum, nhất là các bạn trẻ yêu thích đi phượt. Ngày 28/12/2012, UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định số 1240/QĐ-UBND phê duyệt Đề án khai thác du lịch khu vực Cột mốc quốc giới chung 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia với mục tiêu là khai thác tiềm năng lợi thế vị trí Cột mốc quốc giới chung 3 nước để hình thành và phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ngọc Hồi theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần nhóm ngành dịch vụ, du lịch. Phát triển du lịch nhằm đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ngọc Hồi nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội.

Cả đoàn lưu luyến chụp ảnh để lưu lại thời khắc mình đến nơi đây trước khi dời đi. Trên mỗi gương mặt đều rưng rưng cảm xúc hãnh diện và tự hào. Kết thúc cuộc hành trình chúng tôi được ghé thăm Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Nhà văn hoá hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia

           

Cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Nhà văn hoá hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào- Campuchia

Sắp tới đây khoảng trung tuần tháng 12/2024 sẽ diễn ra Tuần văn hoá - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024. Hoạt động này sẽ diễn ra trong vòng 4 ngày, dự kiến có khoảng 1.050 nghệ sỹ, nghệ nhân, học sinh tham gia; trong đó có 1 đoàn lưu học sinh nước bạn Lào và Campuchia (khoảng 50 học sinh) tham gia. Đây là cơ hội cho các nghệ nhân, nghệ sỹ, học sinh 3 nước gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, góp phần thực hiện nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

Hoạt động này sẽ diễn ra Lễ hội đường phố ở 4 địa điểm:Công viên giọt nước; Vòng xuyến Trần Phú - Nguyễn Huệ; Ngã tư Trần Phú - Trần Hưng Đạo và Vòng xuyến Trần Phú - Bà Triệu, thành phố Kon Tum và Lễ hội Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số lần thứ II tại Nhà rông Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum do Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở giáo dục và đào tạo; UBND các huyện, thành phố chủ trì.

Tại hoạt động này sẽ diễn ra Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Kon Tum. Giới thiệu, tham quan, trải nghiệm các tour, tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum ( 7 tuyến du lịch). Trong đó, có tuyến đi từ thành phố Kon Tum lên cột  Mốc ba biên - huyện Ngọc Hồi. Ngày hôm đó nếu có cơ hội được tham gia nhất định Tôi sẽ lên thăm " Mốc ba biên" một lần nữa. Nơi mảnh đất linh thiêng, niềm tự hào của dân tộc, nó còn mang ý nghĩa lịch sử và chính trị quan trọng với vai trò là biểu tượng khẳng định chủ quyền lãnh thổ của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia. Đồng thời, nơi đây còn là biểu tượng của tình hữu nghị, hợp tác giữa ba nước láng giềng.

Kon Tum có thể xem là quê hương thứ 2 của tôi. Tôi yêu Kon Tum, yêu sự chân thật của người Kon Tum, yêu cái khí hậu se lạnh vào mỗi buổi sáng thức dậy và buổi tối khi đi ngủ; cái nắng ấm áp vào buổi trưa. Yêu cái điểm giao nhau giữa 3 nước láng giềng. Đây là nơi đặt cột mốc ba biên thứ 2 của Việt Nam. Cột mốc ba biên thứ nhất của Việt Nam nằm ở tỉnh Điện Biên là nơi xác định ranh giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc.

Chân thành cảm ơn Sở Thông tin và truyền thông Kon Tum đã cho Tôi một chuyến đi trải nghiệm vui vẻ và ý nghĩa này.

 


Tác giả: Bien Tap Ngoc Lay
Tổng số điểm của bài viết là: 98 trong 33 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 16
Tháng 12 : 58
Năm 2024 : 5.841
Năm trước : 44.646
Tổng số : 72.226